Các giải pháp đơn giản để gắn kết nhân viên
Những nhân viên trung thành và gắn bó thường có thể làm thay đổi đáng kể hoạt động của doanh nghiệp. Họ là đội ngũ có khả năng làm cho khách hàng trở nên trung thành hơn với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuyển dụng nhân viên mới, cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, làm cho nhân viên gắn bó với tổ chức cũng là một thách thức lớn đối với nhiều doanh nghiệp hiện nay. Các giám đốc cấp cao đôi khi lại quá tập trung vào những mục tiêu khác mà quên đi nhiệm vụ thực hiện một số biện pháp để xây dựng một môi trường văn hóa có khả năng gắn kết nhân viên cao.
Theo một khảo sát gần đây do Bain and Company phối hợp với Netsurvey thực hiện với 200.000 nhân viên ở 40 công ty, hiện nay đang nổi lên hai xu hướng chính.
Thứ nhất, sự gắn bó của nhân viên tỷ lệ nghịch với thâm niên công tác của họ, có nghĩa là nhân viên càng nhiều kinh nghiệm và hiểu biết thì càng ít trung thành với tổ chức.
Thứ hai, những nhân viên ít gắn bó nhất là những nhân viên ở các cấp thấp nhất và làm việc ở các bộ phận bán hàng hay dịch vụ khách hàng. Đã có nhiều tác giả và nhiều bài viết nói về những giải pháp cải thiện sự gắn bó của nhân viên với tổ chức, nhưng Darius Mirshahzadeh, Chủ tịch kiêm đồng sáng lập của Endeavor America Loan Services (EALS), một công ty cho vay thế chấp tài sản có trụ sở ở Walnuk Creek, California (Mỹ), đưa những cách làm đơn giản theo một “góc nhìn khác” sau đây mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc áp dụng.
Trong chưa đầy một năm qua, dưới sự quản lý của Mirshahzared, EALS đã tăng trưởng rất nhanh và thu hút hơn 200 nhân viên mà không hề mất thêm một khoản chi phí nào cho việc tuyển dụng.
1. Chú trọng phát triển kỹ năng của từng cá nhân
Khái niệm môi trường làm việc hợp tác và làm việc theo nhóm đã được nhiều chuyên gia đề cập trước đây và được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng. Tuy nhiên, Mirshahzadeh cho rằng, một môi trường làm việc quá đề cao “chúng ta” và thiếu “cái tôi” như vậy có thể khiến cho doanh nghiệp mất đi những nhân tài có thế mạnh tự nhiên ở một số kỹ năng nhất định.
Tại EALS, Mirshahzadeh áp dụng công cụ đánh giá nhân tài được tác giả Tom Rath nêu ra trong cuốn Strengths Finder 2.0 để phát hiện ra những kỹ năng, thế mạnh riêng của từng nhân viên.
Phương pháp quản lý của Mirshahzadeh là chia nhân viên thành những nhóm bao gồm các thành viên có những kỹ năng bổ sung cho nhau để từ đó xây dựng các chương trình đào tạo, kèm cặp và định hướng phát triển nghề nghiệp phù hợp cho từng nhóm và từng cá nhân.
2. Thực hiện “Nguyên tắc 1%” cho phát triển nhân viên
Không ít doanh nghiệp trì hoãn việc thực hiện các chương trình phát triển nhân viên vì nghĩ rằng những chương trình này sẽ làm mất đi nhiều nỗ lực hay nguồn lực của tổ chức. Mirshahzadeh áp dụng “Nguyên tắc 1%”, theo đó EALS sẽ dùng ít nhất 1% nguồn lực của tổ chức để phát triển nhân viên ngay từ giai đoạn đầu khi công ty mới được thành lập.
Cụ thể, EALS cam kết dành cho mỗi nhân viên ít nhất 20 giờ mỗi năm để tham gia vào các chương trình, hoạt động phát triển cá nhân. 3Xem trọng ngày đầu tiên gia nhập công ty và ngày sinh nhật của nhân viên.
Tại EALS, các giám đốc luôn quan tâm, dành nhiều thời gian để gặp gỡ và trao đổi trực tiếp với nhân viên khi họ mới gia nhập công ty. Ngoài ra, vào ngày sinh nhật, nhân viên cũng nhận được những tấm thiệp được các nhà quản lý cấp cao ký bằng tay kèm theo những lời chúc mừng rất cá nhân và một món quà nhỏ.
4. Sử dụng các công cụ đơn giản để ghi nhận thành tích của nhân viên
Thường xuyên công nhận nhân viên là một trong những cách làm để họ gắn bó hơn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, không ít công ty áp dụng những công cụ khá phức tạp và mất nhiều thời gian để thực hiện việc này.
EALS sử dụng YouEarnedIt, một phần mềm dễ sử dụng hơn để đơn giản hóa và dân chủ hóa quy trình công nhận nhân viên. Với công cụ này, nhân viên nào cũng có thể công nhận các đồng nghiệp của mình bằng cách truy cập vào hệ thống và cho điểm.
5. Sử dụng các công cụ đơn giản và hiệu quả để lắng nghe phản hồi từ nhân viên
Lắng nghe nhân viên là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các nhà quản lý. Khi được lắng nghe, nhân viên sẽ có khuynh hướng cởi mở hơn, sẵn sàng chia sẻ các ý tưởng tốt nhất của mình, từ đó giúp nhà quản lý sớm nhận diện các vấn đề của tổ chức và xây dựng một môi trường làm việc hợp tác hơn.
EALS sử dụng phần mềm 15Five để ghi nhận các ý kiến phản hồi theo thời gian thực mà các nhân viên muốn phản ánh lên các nhà quản lý.
Các nhân viên được dành 15 phút mỗi tuần để gửi đi ý kiến và các nhà quản lý thường chỉ mất năm phút để đọc, xem xét và đưa ra phản hồi.
Ngoài ra, EALS vẫn chú trọng đến hình thức đưa ra phản hồi trực tiếp, tuy nhiên với hệ thống 15Five nói trên, ý kiến của nhân viên được phản ánh một cách trung thực lên các cấp quản lý cao nhất, tránh trường hợp bị sàng lọc, cắt xén hay thêm bớt như khi sử dụng các hệ thống ghi nhận phản hồi khác.
Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn
4 cách để nhà lãnh đạo khắc phục sự nhút nhát
Nói tới các nhà lãnh đạo, ai cũng nghĩ họ luôn là người cứng cỏi, quyết liệt, song thực tế vẫn có những người tính nhút nhát lại hay nể ngại. Điều đó đã hạn chế năng lực quản lý của họ. Bài viết này chỉ ra cách khắc phục những “rào cản” ấy.
Tác giả Melody Wilding trong bài báo mới đây trên trang Forbes đã khẳng định, người ta hoàn toàn có thể học hỏi và cải thiện tính cách rụt rè, nhút nhát để trở thành nhà lãnh đạo hiệu quả, có uy thế.
Bà đã chỉ ra 4 thách thức và cách vượt qua chúng nếu rơi vào tình huống này:
Thách thức số 1: Xuất hiện trước đám đông
Mới nghe qua tưởng như đây là điều rất đơn giản. Bạn tự giới thiệu mình với mọi người và ngược lại, rồi sau đó mọi chuyện tiếp tục.
Nhưng trên thực tế, mọi sự không trơn tru đến vậy. Hãy tưởng tượng như bạn được dẫn qua một loạt các phòng ban, gặp gỡ với rất nhiều nhân viên cấp dưới, bị “soi” bởi hàng chục hay hàng trăm cặp mắt, thật khó để có cách “phá băng” hiệu quả và bớt vụng về trong giai đoạn tiếp xúc đầu tiên với mọi người như thế.
Cách vượt qua thách thức:
Nếu không phải là một người hoạt khẩu bẩm sinh, bạn hãy tìm hiểu về đội ngũ cộng sự của mình theo cách riêng của mình.
Tác giả Melody Wilding gợi ý một cách theo bà đơn giản và dễ áp dụng nhất: thông qua các cuộc trò chuyện một đối một. Bằng cách đó, bạn không bị cuốn vào quá nhiều trao đổi cùng lúc và bị “soi” giữa đông đảo nhân viên.
Thêm nữa, với cách sắp đặt trước các cuộc họp, cả nhân viên và lãnh đạo đều có cơ hội chuẩn bị.
Nhà quản lý có thể gửi chương trình làm việc tới cho nhân viên, xác định trước những chuyện sẽ bàn và sau đó, dành thời gian lắng nghe mọi người.
Khi bạn ngày càng hiểu rõ cấp dưới của mình, bạn sẽ thấy trao đổi với họ dễ dàng hơn trong các đối thoại hàng ngày khác.
Thách thức số 2: Trao đổi những nội dung khó nói
Nếu việc tìm hiểu cấp dưới thôi đã là chuyện không đơn giản với bạn, thì việc phải nói những chuyện như phê bình khi cấp dưới làm việc không đạt kết quả như mong muốn, hoặc tệ hơn là phải sa thải họ, còn khó khăn hơn gấp bội.
Cách vượt qua: Trong những trường hợp này, tốt nhất bạn nên có một người có kinh nghiệm quản lý hướng dẫn bạn cách thức tiến hành trao đổi.
Việc hướng dẫn này đòi hỏi tính cụ thể kiểu “cầm tay chỉ việc” như khi tiếp xúc sẽ nói gì, nói như thế nào và tiếp tục vấn đề ra sao.
Thách thứ số 3: Trao đổi trong cương vị lãnh đạo
Dù có những khi bạn phải làm việc riêng với từng nhân sự cấp dưới trong công việc cụ thể, nhưng phần lớn thời gian còn lại, bạn phải là một người quản lý. Do đó, bạn sẽ phải chủ trì cuộc họp, phân công công việc, thiết lập mục tiêu và khuyến khích tập thể nhân viên đạt được các tiêu chí mong muốn. Với một nhà quản lý nhút nhát, điều này thật khó khăn.
Cách vượt qua: Giải quyết thách thức này không thể nhanh được. Theo kinh nghiệm của tác giả Melody Wilding, bà có một giải pháp gồm 2 phần.
Thứ nhất, trên cơ sở các cuộc đối thoại một – một như đã đề cập ở thách thức số 1, bà nỗ lực tạo không khí thân mật, thoải mái với nhân viên. Khi hiểu rõ họ ở góc độ cá nhân, bà cảm thấy tự tin hơn trong quá trình giao tiếp công việc.
Thứ hai, phần chuẩn bị rất quan trọng. Là nhà quản lý, bà Melody Wilding nhận ra các nhân viên của bà luôn thắc mắc về mọi điều. Chẳng hạn, nếu công ty đưa ra một chính sách mới trong cuộc họp, lập tức họ sẽ muốn biết tại sao lại triển khai chính sách đó, những ai sẽ chịu ảnh hưởng chính sách này và người quản lý sẽ làm gì để giúp họ hoàn thành điều đó, v.V…
Nếu nhà quản lý không trả lời được các thắc mắc ấy, cái ghế của họ chắc chắn sẽ lung lay. Tuy nhiên, khi có sự chuẩn bị trước những thông tin giải đáp cần thiết, người quản lý sẽ thấy kiên định và vững vàng hơn.
Thách thức số 4: Giải quyết tất cả những thách thức trên (và còn nhiều hơn nữa)
Thoát khỏi “vùng an toàn” trong tính cách bản năng của mỗi người để khắc phục những hạn chế là câu chuyện không đơn giản. Để trở thành nhà quản lý hiệu quả, mạnh mẽ, rõ ràng cần sự nỗ lực không ngừng của bạn trong một thời gian dài.
Không ít người đã mất kiên nhẫn, bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn vẫn muốn trở thành nhà lãnh đạo, hãy kiên trì bám trụ. Tin vui là theo thời gian, mọi sự sẽ dễ dàng hơn.
Khi bạn đã hiểu rõ đội ngũ nhân viên của mình và cảm thấy thoải mái khi ở bên họ, bạn cũng sẽ cảm thấy mạnh mẽ hơn trong việc dẫn dắt, lãnh đạo họ. Những cuộc nói chuyện khó khăn sẽ trở nên đơn giản hơn. Bạn sẽ tự tin hơn khi hướng dẫn và đào tạo đội ngũ của mình.
Theo DNSG
0 nhận xét :
Đăng nhận xét